Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Nghịch lý trong vấn đề TACN tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi đứng hàng đầu thế giới, tuy nhiên thực tế chúng ta vẫn đang nhập siêu loại thức ăn này, tại sao lại có sự nghịch lý trên?
Việt Nam đứng thứ 17 trong số 20 quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) lớn nhất thế giới, và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, tuy nhiên thực tế cho thấy nước ta đang phải nhập khẩu một lượng lớn thức ăn chăn nuôi cũng như nguyên liệu cho ngành này. 
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu một lượng lớn TACN và các sản phẩm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chế biến thức ăn trong nước và ngành chăn nuôi. Thức ăn gia súc và nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt khoảng 3,46 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2015 ( đạt 3,39 tỷ USD ), đứng thứ hai là ngô đạt khoảng 1,67 tỷ USD, đứng thứ ba là đậu tương đạt khoảng 661 triệu USD. Trong đó, lượng nhập khẩu nhóm thức ăn gia súc, nguyên liệu và ngô có dấu hiệu tăng nhẹ so với năm 2015 lần lượt là 2,1%, 1,2%  còn đậu tương giảm một lượng đáng kể 13,6%. 
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong quý I/2017 Việt Nam đã chi gần 900 triệu USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 33,36% so với cùng quý năm trước. Những mặt hàng nhập khẩu chính vẫn là thức ăn gia súc và nguyên liệu. Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra, trong tháng 3/2017, các doanh nghiệp đã chi 288 triệu USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ bên ngoài, tuy giảm 18,65% so với tháng 2/2017 nhưng tăng 10,11% so với cùng tháng năm ngoái . Như vậy, mỗi ngày trong tháng này, nước ta chi trung bình 9,6 triệu USD khoảng 217 tỷ đồng để nhập khẩu thức ăn cho ngành chăn nuôi trong nước.
Thị trường nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chính của Việt Nam trong nhiều năm qua là các nước Argentina, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil... Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ Argentina năm 2016 đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8%, ngô đạt 845 triệu USD, tăng 63,3% và đậu tương 4,2 triệu USD, giảm 62,7%. Trong 3 tháng đầu năm 2017, thị trường này vẫn đứng đầu danh sách các thị trường nhập khẩu TACN của Việt Nam với khoảng 411 triệu USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, mặc dù Việt Nam là nước nông nghiệp song lại phải nhập khẩu các mặt hàng như ngô, đậu tương, phụ gia về để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo tính toán, hiện nay Việt Nam thường xuyên phải nhập khẩu 50% trên tổng sản lượng ngô phục vụ ngành chăn nuôi, khô dầu gần như 100% và nguyên liệu phụ gia như khoáng chất, axit amin, vitamin phải nhập khẩu 100%.
Ông Lịch cho rằng, sỡ dĩ chúng ta phải nhập khẩu một lượng lớn TACN và nguyên liệu là vì sản xuất trong nước không có hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu. Việt Nam là một nước nông nghiệp, tuy nhiên những bất cập trong hệ thống nông nghiệp nước ta có ảnh hưởng không nhỏ đến việc các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm nguyên liệu từ bên ngoài. Nhiều năm nay, quỹ đất chủ yếu dành cho trồng lúa gạo, cao su, cà phê không dành đất trồng cây thức ăn gia súc, trồng cỏ nuôi trâu bò, phương thức canh tác còn lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung, chất lượng giống chưa cao...từ đó dẫn đến năng suất thấp, sản lượng làm ra không phục vụ đủ cho ngành.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm không đạt chỉ tiêu, nhưng giá thành sản phẩm lại cao hơn so với các nước nhập khẩu. Ngoài ra, sản lượng và giá cả các sản phẩm nguyên liệu của Việt Nam luôn bất ổn nên dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp sản xuất không mua sản phẩm của nông dân mà quyết định nhập khẩu, còn người dân thì không mấy mặn mà với các loại sản phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. 
Ngoài ra, phần lớn tỷ trọng sản xuất TACN của Việt Nam do các doanh nghiệp FDI nắm giữ cũng là một nguyên nhân giải thích cho vấn đề trên. Các doanh nghiệp ngoại nắm trong tay 60 - 70% thị phần thị trường TACN nước ta, một số doanh nghiệp này để tối đa lợi nhuận đã không ưu tiên nguồn nguyên liệu ở Việt Nam mà nhập khẩu nguyên liệu. Bên cạnh đó, khâu cung cấp nguyên liệu, sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi lẽ ra phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau nhưng thực trạng đang diễn ra hiện nay là những khâu này phát triển một cách đơn lẻ, thiếu tính liên kết, mạnh ai người nấy sống, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không chịu gánh nặng về lợi nhuận của người nông dân và người chăn nuôi dẫn đến sự phát triển thiếu đồng bộ và những nghịch lý đang diễn ra trong ngành chăn nuôi.
 


Quản lý chất lượng

Khái niệm quản lý chất lượng
QLCL là tập hợp các hoạt động chức năng quản lý chung nhằm đề ra các chính sách, mục tiêu và trách nhiệm, và thực hiện chính bằng biện pháp như hoạch định chất lượng, kiểm soát chất lượng, bảo đảm chất lượng và cải tiến trong khuôn khổ hệ thống chất lượng.
Theo ISO 9000:2015
QLCL là các hoạt động có phối hợp để định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng.
(Việc định hướng và kiểm soát về chất lượng nói chung bao gồm: lập chính sách chất lượngmục tiêu chất lượng, hoạch định chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng  và cải tiến chất lượng).
 Hoạch định chất lượng
Một phần của quản lý chất lượng tập trung vào việc lập mục tiêu chất lượng và qui định các quá trình tác nghiệp cần thiết và các nguồn lực có liên quan để thực hiện các mục tiêu chất lượng.
Cụ thể:
Xác lập Chính sách và mục tiêu chất lượng.
Xác định khách hàng.
Xác định nhu cầu và đặc điểm nhu cầu.
Phát triển các đặc điểm của sản phẩm (thiết kế).
Phát triển quá trình có khả năng tạo ra những đặc điểm của sản phẩm.
Chuyển giao các kết quả của hoạch định cho bộ phận tác nghiệp.
Kiểm soát chất lượng
Một phần của quản lý chất lượng tập trung vào thực hiện các yêu cầu chất lượng.
Cụ thể:
Tổ chức các hoạt động nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu.
Đánh giá việc thực hiện CL trong thực tế (đo lường).
So sánh CL thực tế với kế hoạch để phát hiện ra sai lệch
Tiến hành các hoạt động cần thiết để khắc phục các sai lệch (giảm các điểm KPH) .
 Đảm bảo chất lượng
Một phần của quản lý chất lượng tập trung vào cung cấp lòng tin rằng các yêu cầu chất lượng sẽ được thực hiện.
Cụ thể:
Theo dõi, giám sát việc kiểm soát chất lượng.
Đảm bảo chất lượng SP đạt/đáp ứng yêu cầu.
Đảm bảo tính ổn định của chất lượng SP.
Tạo dựng và duy trì lòng tin với các bên liên quan.
Cải tiến chất lượng
Một phần của quản lý chất lượng tập trung vào nâng cao khả năng thực hiện các yêu cầu chất lượng.
Cụ thể:
Kiểm tra, đánh giá hệ thống.
Thu thập thông tin phản hồi.
Khắc phục các tồn tại, nỗ lực ngăn ngừa SKPH tiềm ẩn.
Phát triển SP mới, đa dạng hoá SP.
Thực hiện công nghệ mới.
Thay đổi quá trình nhằm giảm khuyết tật .