Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Sáu vấn đề quan tâm trong sản xuất vật liệu xây dựng

Vật liệu xây dựng được coi là cầu nối của ngành công nghiệp-xây dựng. Sản xuất vật liệu xây dựng hiện có một số vấn đề cần quan tâm.
Vấn đề thứ nhất, vừa là kết quả tích cực, vừa là vấn đề hiện nay, là tốc độ tăng của vật liệu xây dựng (VLXD) nhìn chung cao hơn tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành Xây dựng.

Theo đó, chỉ trừ một vài loại VLXD tăng thấp do không còn phù hợp hoặc đã được thay thế bằng một loại vật liệu khác, còn đều tăng cao hơn tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành Xây dựng. Tốc độ tăng của sản xuất VLXD đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng ở trong nước và có một phần được dùng để xuất khẩu. Chủng loại, mẫu mã VLXD đã đa dạng, phong phú hơn, đẹp hơn; chất lượng một số loại đã được nâng lên.

Tuy nhiên, cũng có lúc sản xuất đã vượt nhu cầu, khối lượng nhập khẩu một số loại VLXD cũng còn lớn, nhất là một số vật liệu cơ bản như sắt, thép, gạch lát, đồ nội thất và thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, đã làm cho cung vượt cầu, nên lượng tiêu thụ VLXD bị giảm, làm cho lượng sản phẩm sản xuất một vài năm nay bị sụt giảm theo. Cụ thể: gạch nung năm 2011 giảm 1,6%; thép cán năm 2011 giảm 3,9%, năm 2012 giảm 5,5%; xi măng năm 2012 giảm 3,1%,…

Vấn đề thứ hai, hầu hết các doanh nghiệp không khai thác hết năng lực sản xuất, tỷ lệ sử dụng công suất thấp. Theo Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, tỷ lệ sử dụng công suất của kính xây dựng chỉ đạt dưới 50%, vật liệu không nung dưới 55%, gốm sứ dưới 70%, xi măng dưới 80%... Trong khi một số cơ sở sản xuất VLXD chưa sử dụng hết công suất thì một số cơ sở mới ra đời chẳng những sản xuất gặp khó khăn, mà còn bị nặng nợ bởi vốn đầu tư xây dựng…

Vấn đề thứ ba liên quan đến quy mô và thiết bị công nghệ. Bên cạnh một số nhà máy có quy mô lớn, thiết bị công nghệ tiên tiến, thì phần lớn các nhà máy sản xuất VLXD khác có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả và sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập thấp, trong khi lao động có giá rẻ hơn, không phải mất chi phí vận chuyển từ nước ngoài về…

Vấn đề thứ tư là bảo vệ môi trường chưa được đặc biệt quan tâm, không chỉ ở công nghệ tiêu hao nhiên liệu như trên, mà còn là việc chậm sử dụng VLXD không nung thay thế cho gạch xây bằng đất nung, ngói nung… (đến năm 2012 vẫn còn sản xuất tới trên 19 tỷ viên gạch đất nung; 5 tháng 2013 tuy có giảm 2,9% so với cùng kỳ nhưng vẫn lên tới gần 6,6 tỷ viên; ngói nung năm 2012 vẫn còn sản xuất trên 560 triệu viên). Việc khai thác cát (không chỉ dùng ở trong nước mà cả xuất khẩu), sỏi, đá cuội… mỗi năm lên đến trên dưới 60 triệu m3, nhưng do việc quản lý chưa tốt đã gây sạt lở ở không ít vùng.

Vấn đề thứ năm là vấn đề quy hoạch. VLXD là ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, quá trình khai thác, sản xuất… dễ gây tác động xấu đến môi trường, nên quy hoạch là vấn đề rất quan trọng. Quy hoạch chung của cả nước chưa đủ chi tiết, quy hoạch ở một số địa phương hoặc chưa có hoặc có nhưng còn chồng chéo với quy hoạch của cả nước; có quy hoạch rồi nhưng chưa phát triển theo quy hoạch.

Vấn đề thứ sáu, trong 5 tháng đầu năm 2013, sản xuất VLXD nói chung đã tăng lên với tốc độ cao hơn của toàn ngành (như xi măng tăng 7,4%, thép cán tăng 17,4%, thép thanh, thép góc tăng 7,4%...). Điều này có thể là do các nhà sản xuất VLXD tăng sản xuất để đón thời cơ khi ngành xây dựng, thị trường bất động sản có tín hiệu khả quan hơn. Đây cũng là điều mừng cho doanh nghiệp và lao động đang làm việc trong các lĩnh vực nói trên. Tuy nhiên, cần quan tâm đến việc tái cơ cấu ngành này từ quy hoạch, công nghệ, hiệu quả và sức cạnh tranh để không bị hàng nhập khẩu chiếm thị phần.


Ngành thép Việt Nam: Nghịch lý tăng trưởng mạnh nhưng vẫn phải nhập khẩu

Trong những gần đây, ngành thép Việt Nam có mức tăng trưởng tương đối cao. Để tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải tập trung hơn nữa cho các vấn đề mở rộng, hoàn thiện chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành.
Nghịch lý tăng trưởng mạnh song vẫn phải nhập khẩu
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2016, Việt Nam đã sản xuất được 3,6 triệu tấn thép cuộn nguội (CRC), 8,6 triệu tấn thép xây dựng và 5,45 triệu tấn các sản phẩm ống thép, tôn mạ. Từ năm 2013 - 2016, sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng trung bình 21,64% và 25,7%.
Đặc biệt, từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một năm bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép. Tính trung bình, các doanh nghiệp trong ngành đã tăng trưởng doanh thu 14,34% và lợi nhuận 81,65%, giúp giá cổ phiếu chung tăng trưởng 91%.
Lý giải việc sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp thép đều tăng mạnh, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, Giám đốc nghiệp vụ Quỹ Dragon Capital cho rằng, trước hết là nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản cùng với nhu cầu xây dựng căn hộ tăng cao giúp các doanh nghiệp thép trong nước hoạt động gần như tối đa công suất. Cùng với đó, giá thép thế giới phục hồi mạnh, kéo theo sự phục hồi của giá thép trong nước giúp các doanh nghiệp như Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim mở rộng biên lợi nhuận gộp.
Phát biểu tại “Đối thoại ngành thép: Triển vọng 2017- 2020" (ngày 12-6-2017), ông Khổng Phan Đức, Tổng Giám đốc VietinbankSC cho biết, ngành thép Việt Nam tuy có quy mô không lớn, nhưng vẫn có lợi thế cạnh tranh riêng, đặc biệt là chi phí sản xuất rất cạnh tranh so với các nước khác.
Thêm vào đó, dư địa phát triển ngành thép tại Việt Nam vẫn còn rất lớn do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở các tỉnh, thành phố lớn cũng như tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh tại các vùng nông thôn.
Ngoài ra còn do, lượng thép tiêu thụ/đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp khi so với các quốc gia phát triển khác. Theo số liệu 2015, lượng thép tiêu thụ tại Việt Nam đạt 195 kg/người, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (489 kg/người), Nhật Bản (497 kg/người), Mỹ (297 kg/người) hay Hàn Quốc (1.136 kg/người). Điều này thể hiện ngành thép trong tương lai vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại là thị trường thép Việt Nam thừa năng lực sản xuất song vẫn phải nhập khẩu, mà còn nhập số lượng lớn. Nguyên nhân là do chuỗi giá trị của ngành thép nội địa chưa được hoàn thiện nên mới chỉ đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (một số sản phẩm như tôn mạ màu, ống thép… còn được xuất khẩu sang các quốc gia khác) nhưng vẫn phải nhập rất nhiều sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép chế tạo, thép hợp kim…
Năm 2016, sản lượng thép nhập khẩu là 22,7 triệu tấn, trong đó thép hợp kim chiếm 27%, HRC chiếm 24,6% và thép phế 17%. Dự kiến, lượng nhập siêu của ngành thép trong vòng 5 năm tới được kỳ vọng giảm dần khi Hòa Phát và Formosa bắt đầu sản xuất HRC.
Ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức từ 12% - 15%
Hiệp hội thép Việt Nam dự báo, trong 5 năm tới, ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức từ 12% - 15%. Năm 2017, dự kiến sản lượng gang tăng 80%, đạt 4,5 triệu tấn; phôi thép tăng 47,2% (11,5 triệu tấn); thép thành phẩm tăng 12% (20 triệu tấn); thép xây dựng tăng 11%; thép lá cuộn cán nguội tăng 13%; thép ống hàn tăng 15%; tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.
Tại buổi đối thoại, các diễn giả cũng đề ra triển vọng phát triển ngành đến năm 2020, cụ thể sản lượng sản xuất theo dự báo sẽ tăng từ 18 triệu tấn (2016) lên đến xấp xỉ 26 triệu tấn (2020).
Để phát triển ngành thép cũng như tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp phải tập trung hơn nữa cho các vấn đề mở rộng, khai thác điểm khuyết trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành thông qua cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất.
Đồng quan điểm, ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim cho rằng, doanh nghiệp ngành thép cần tăng cường đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình khép kín. Từ đó, doanh nghiệp từng bước giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về các FTA đã và đang ký kết sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ ngày càng lớn. Để đối mặt với áp lực cạnh tranh trên, các diễn giả cho rằng các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện, nâng cao chuỗi giá trị.
Về việc áp thuế tự vệ chống bán phá giá, Bộ Công Thương đã áp dụng thuế tự vệ bổ sung đối với phôi thép và thép dài trong 4 năm. Mỗi năm, mức thuế tự vệ bổ sung sẽ giảm từ 1-2% và giảm về 0 trong tháng 3-2020 nếu không có quyết định gia hạn. Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp sản xuất phôi sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ, trong khi những doanh nghiệp thép xây dựng nhỏ với công nghệ chưa cao, phải nhập phôi thép về làm nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi phôi thép bị đánh thuế tự vệ 23%.
Theo ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, đây là một chính sách hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ Việt Nam. Cuối 2015, giữa 2016, sản lượng tôn mạ Trung Quốc ước tính chiếm 50% thị phần tại Việt Nam. Vì vậy, việc áp thuế là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian đầu tư công nghệ, nguồn lực để cạnh tranh với thành phẩm Trung Quốc./.


Đánh giá giám sát công ty Sông Đốc


Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Thực trạng sử dụng thuốc BVTV trong Nông nghiệp ở Việt Nam

Trong hệ thống các biện pháp tổng hợp bảo vệ thực vật (BVTV), việc sử dụng thuốc BVTV từ những năm 50 cho tới nay vẫn chiếm một vai trò hết sức quan trọng, có khi quyết định. Tuy nhiên ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Vì vậy tăng cường việc quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV là một yêu cầu đặc biệt cấp bách hiện nay ở thế giới và ở nước ta trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng quản lý và sử dụng thuốc BVTV hiện nay. Nói chung, thuốc BVTV có các ưu điểm là tác động nhanh,t triệt để, dễ sử dụng nên có thể nhanh chóng hạn chế, dập dịch, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây nên, nâng cao lợi nhuận cho nhà nông.
Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc hóa học BVTV đem lại những hệ lụy xấu, tiêu cực.
- Thuốc gây độc hại cho người và gia súc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, làm ô nhiễm môi trường, diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích, từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát mạnh hơn. Dùng thuốc không đúng kỹ thuật, sẽ nhanh chóng tạo nên tính kháng thuốc của sâu bệnh, - Thuốc BVTV nhiều khi còn để lại dư lượng độc hại trên nông sản làm ngộ độc người sử dụng giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên.
Sử dụng thuốc BVTV càng nhiều, càng rộng, càng không đúng kỹ thuật thì những nhược điểm, hạn chế, tiêu cực của thuốc càng lớn, càng nguy hại!
I. Tình hình sử dụng thuốc BVTV trên thế giới
Trên thế giới, thuốc BVTV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm. Theo tính toán của các chuyên gia, trong những thập kỷ 70, 80, 90 của thế kỷ 20, thuốc BVTV góp phần bảo vệ và tăng năng suất khoảng 20 - 30% đối với các loại cây trồng chủ yếu như lương thực, rau, hoa quả.
Những năm gần đây theo ý kiến và nghiên cứu của nhiều tổ chức khoa học, chuyên gia về nông nghiệp, bảo vệ thực vật, sinh thái quá trình sử dụng thuốc BVTV ở thế giới trải qua 3 giai đoạn là: 1 - Cân bằng sử dụng (Balance use): yêu cầu cao, sử dụng có hiệu quả. 2 - Dư thừa sử dụng (Excessise use): bắt đầu sử dụng quá mức, lạm dụng thuốc BVTV, ảnh hưởng đến môi trường, giảm hiệu quả. 3 - Khủng hoảng sử dụng (Pesticide Crisis): quá lạm dụng thuốc BVTV, tạo nguy cơ tác hại đến cây trồng, môi trường, sức khỏe cộng đồng, giảm hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn dư thừa sử dụng từ những năm 80 - 90 và giai đoạn khủng hoảng từ những năm đầu thế kỷ 21. Với những nước đang phát triển, sử dụng thuốc BVTV chậm hơn (trong đó có Việt Nam) thì các giai đoạn trên lùi lại khoảng 10 - 15 năm.
Việc sử dụng thuốc BVTV ở thế giới hơn nửa thế kỷ luôn luôn tăng, đặc biệt ở những thập kỷ 70 - 80 - 90. Theo Gifap, giá trị tiêu thụ thuốc BVTV trên thế giới năm 1992 là 22,4 tỷ USD, năm 2000 là 29,2 tỷ USD và năm 2010 khoảng 30 tỷ USD, trong 10 năm gần đây ở 6 nước châu Á trồng lúa, nông dân sử dụng thuốc BVTV tăng 200 - 300% mà năng suất không tăng.
Hiện danh mục các hoạt chất BVTV trên thế giới đã là hàng ngàn loại, ở các nước thường từ 400 - 700 loại. (Trung Quốc 630, Thái Lan 600 loại). Tăng trưởng thuốc BVTV những năm gần đây từ 2 - 3%. Trung Quốc tiêu thụ hằng năm 1,5 - 1,7 triệu tấn thuốc BVTV (2010).
* Bên cạnh những đóng góp tích cực với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp (SXNN) trên thế giới cũng đem lại những hệ lụy xấu, đặc biệt trong vòng hơn 20 năm trở lại đây.
Sự đóng góp của thuốc BVTV vào quá trình tăng năng suất ngày càng giảm.
Theo Sarazy, Kenmor (2008 - 2011), ở các nước châu Á trồng nhiều lúa, 10 năm qua (2000 - 2010) sử dụng phân bón tăng 100%, sử dụng thuốc BVTV tăng 200 - 300% nhưng năng suất hầu như không tăng, số lần phun thuốc trừ sâu không tương quan hoặc thậm chí tương quan nghịch với năng suất. Lạm dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật còn tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng phá vỡ sự bền vững của phát triển nông nghiệp. Lạm dụng hóa chất BVTV làm tăng tính kháng thuốc, suy giảm hệ ký sinh - thiên địch để lại dư lượng độc trên nông sản, đất và nước, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, nhiễm độc người tiêu dùng nông sản. Trong giai đoạn 1996 - 2000, ở các nước đã phát triển, rất nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn có tình trạng tồn tại dư lượng hóa chất BVTV trên nông sản như: Hoa Kỳ có 4,8% mẫu trên mức cho phép, cộng đồng châu Âu - EU là 1,4%, Úc là 0,9%. Hàn Quốc và Đài Loan là 0,8 - 1,3%. Do những hệ lụy và tác động xấu của việc lạm dụng thuốc BVTV cho nên ở nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện việc đổi mới chiến lược sử dụng thuốc BVTV. Từ “Chiến lược sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn” sang “Chiến lược giảm nguy cơ của thuốc BVTV”.
Trên thực tế, “Sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn” mới mang tính kinh doanh và kỹ thuật vì chưa đề cập nhiều đến vấn đề quản lý, đặc biệt là mục tiêu giảm sử dụng thuốc BVTV, còn “giảm nguy cơ của thuốc BVTV” đã thể hiện tính đồng bộ, hệ thống, của nhiều biện pháp quản lý, kinh tế, kỹ thuật, nó bao gồm các nội dung, a) thắt chặt quản lý đăng ký, xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh thuốc BVTV, b) giảm lượng thuốc sử dụng, c) Thay đổi cơ cấu và loại thuốc, d) Sử dụng an toàn và hiệu quả, đ) Giảm lệ thuộc vào thuốc hóa học BVTV thông qua việc áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.
Chiến lược sử dụng thuốc BVTV mới này đã mang lại hiệu quả ở nhiều nước, đặc biệt là các nước Bắc Âu, đã thành công trong việc giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV mà vẫn quản lý được dịch hại tốt. Trong vòng 20 năm (1980 - 2000) Thụy Điển giảm lượng thuốc BVTV sử dụng đến 60%, Đan Mạch và Hà Lan giảm 50%. Tốc độc gia tăng mức tiêu thụ thuốc BVTV trên thế giới trong 10 năm lại đây đã giảm dần, cơ cấu thuốc BVTV có nhiều thay đổi theo hướng gia tăng thuốc sinh học, thuốc thân thiện với môi trường, thuốc ít độc hại,…
II. Thực trạng sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam
1. Khẳng định vai trò quan trọng của thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp
Thuốc BVTV được bắt đầu được sử dụng ở miền Bắc Việt Nam vào những năm 1955 từ đó đến nay tỏ ra là phương tiện quyết định nhanh chóng dập tắt các dịch sâu bệnh trên diện rộng. Do vậy, cần phải khẳng định vai trò không thể thiếu được của thuốc BVTV trong điều kiện sản xuất nông nghiệp cảu nước ta những năm qua, hiện nay và cả trong thời gian sắp tới.
2. Việc sử dụng thuốc BVTV ở nước ta tăng nhanh.
Theo số liệu của cục BVTV trong giai đoạn 1981 - 1986 số lượng thuốc sử dụng là 6,5 - 9,0 ngàn tấn thương phẩm, tăng lên 20 - 30 ngàn tấn trong giai đoạn 1991 - 2000 và từ 36 - 75,8 ngàn tấn trong giai đoạn 2001 - 2010. Lượng hoạt chất tính theo đầu diện tích canh tác (kg/ha) cũng tăng từ 0,3kg (1981 - 1986) lên 1,24 - 2,54kg (2001 - 2010). Giá trị nhập khẩu thuốc BVTV cũng tăng nhanh, năm 2008 là 472 triệu USD, năm 2010 là 537 triệu USD. Số loại thuốc đăng ký sử dụng cũng tăng nhanh, trước năm 2000 số hoạt chất là 77, tên thương phẩm là 96, năm 2000 là 197, và 722, đến năm 2011 lên 1202 và 3108. Như vậy trong vòng 10 năm gần đây (2000 - 2011) số lượng thuốc BVTV sử dụng tăng 2,5 lần, số loại thuốc nhập khẩu tăng khoảng 3,5 lần. Trong năm 2010 lượng thuốc Việt Nam sử dụng bằng 40% mức sử dụng TB của 4 nước lớn dùng nhiều thuốc BVTV trên thế giới (Mỹ, Pháp, Nhật, Brazin) trong khi GDP của nước ta chỉ bằng 3,3%GDP trung bình của họ! Số lượng hoạt chất đăng ký sử dụng ở Việt Nam hiện nay xấp xỉ 1000 loại trong khi của các nước trong khu vực từ 400 - 600 loại, như Trung Quốc 630 loại, Thái Lan, Malasia 400 - 600 loại. Sử dụng thuốc BVTV bình quân đầu người ở Trung Quốc là 1,2 kg, ở Việt Nam là 0.95 kg (2010).
3. Mạng lưới SXKD thuốc BVTV tăng nhanh và khó kiểm soát
Theo số liệu của cục BVTV, đến năm 2010 cả nước có trên 200 công ty SXKD thuốc BVTV, 93 nhà máy, cơ sở sản xuất thuốc và 28.750 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Trong khi hệ thống thanh tra BVTV rất mỏng, yếu, cơ chế hoạt động rất khó khăn.
1 thanh tra viên năm 2010 phụ trách 290 đơn vị sản xuất buôn bán thuốc BVTV, 100.000ha trồng trọt sử dụng thuốc BVTV và 10 vạn hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV. Như vậy rõ ràng mạng lưới này là quá tải, rất khó kiểm soát.
4. Những tác động tiêu cực của thuốc BVTV
- Dư lượng thuốc BVTV trên nông sản là phổ biến và còn cao, đặc biệt trên rau, quả, chè…
Kết quả kiểm tra, năm 2000 - 2002 của cục BVTV cho thấy ở vùng Hà Nội số mẫu có dư lượng quá mức cho phép khá cao, trên rau, nho, chè từ 10% - 26%, ở TPHCM từ 10 - 30%. Mười năm sau, trên rau con số đó vẫn còn 10,2% - Thuốc BVTV làm tăng tính kháng thuốc của sâu bệnh, tiêu diệt ký sinh thiên địch, có thể gây bộc phát các dịch hại cây trồng. Theo Phạm Bình Quyến - 2002, khi phu thuốc Padan trên lúa, nhóm thiên địch nhện lớn bắt mồi giảm mật độ 13 lần trong khi không phun tăng 25 lần. Điều tra tổng số loài thiên địch ở vùng chè Thái Nguyên nơi không sử dụng thuốc trừ sâu nhiều gấp 1,5 - 2 lần so với nơi có sử dụng thuốc. Sâu tơ hại rau kháng 24 loại thuốc - Sử dụng nhiều thuốc tác động xấu đến môi trường, gây ô nhiễm đất và nước không khí ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê cả nước hiện còn tồn đọng trên 706 tấn thuốc cần tiêu hủy và 19.600 tấn rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý, hàng năm phát sinh mới khoảng 9.000 tấn.
5. Những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
- Sử dụng thuốc quá nhiều, quá mức cần thiết. Theo Phạm Văn Lầm - 2000, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cho chè ở Thái Nguyên từ 6,2 đến 29,7 lần/ năm, cho lúa ở đồng bằng sông Hồng từ 1 - 5 lần/ vụ, ở đồng bằng sông Cửu Long từ 2 - 6 lần/ vụ, trên 6 lần có 35,6% hộ. Số lần phun cho rau từ 7 - 10 lần/ vụ ở đồng bằng sông Hồng, ở Thành phố Hồ Chí Minh 10 - 30 lần. Một kết quả điều tra năm 2010 (Bùi Phương Loan - 2010) ở vùng rau đồng bằng sông Hồng cho thấy số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 26 - 32 lần (11,1 - 25,6 kg ai/ha) trong 1 năm. Số lần phun như trên là quá nhiều, có thể giảm 45 - 50% (Ngô Tiến Dũng, Nguyễn Huân, Trương Quốc Tùng 2002, 2010)
- Sử dụng thuốc khi thiếu hiểu biết về kỹ thuật. Theo Đào Trọng Ánh - 2002, chỉ có 52,2% cán bộ kỹ thuật nông nghiệp - khuyến nông cơ sở hiểu đúng kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ này ở người bán thuốc là 33% ở nông dân 49,6%.
- Sử dụng thuốc quá liều lượng khuyến cáo, tùy tiện hỗn hợp khi sử dụng.
Kết quả điều tra năm 2002 (Đào Trọng Ánh) chỉ có 22,1 - 48% nông dân sử dụng đúng nồng độ liều lượng thuốc trên lúa, 0 - 26,7% trên rau và 23,5-34,1% trên chè, trong khi đó có nhiều nông dân tăng liều lượng lên gấp 3 - 5 lần. Ở các tỉnh phía Nam, có tới 38,6% dùng liều lượng cao hơn khuyến cáo, 29,7% tự ý hỗn hợp nhiều loại thuốc khi phun. Năm 2010, 19,59% nông dân cả nước vi phạm sử dụng thuốc, trong đó không đúng nồng độ là 73,2% (Cục BVTV)
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ thời gian cách ly
Đây là một tồn tại nguy hiểm, tác động trực tiếp đến vệ sinh an toàn thực phẩm song đáng tiếc là rất phổ biến, đặc biệt là ở các vùng rau quả, chè… có tới 35 - 60% nông dân chỉ thực hiện thời gian cách ly từ 1 - 3 ngày, 25 - 43,3% thực hiện cách ly 4 - 6 ngày trong khi phần lớn các loại thuốc có yêu cầu cách ly từ 7 - 14 ngày hoặc hơn. (Đinh Ngọc Ánh - 2002), năm 2010 trên diện rộng còn tới 10,22% nông dân không đảm bảo thời gian cách ly. (Cục BVTV)
- Coi trọng lợi ích lợi nhuận hơn tác động xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Có một thực tế rất đáng lên án là một bộ phận nông dân cố tình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy định pháp lý và kỹ thuật vì mục đích lợi nhuận của bản thân, xem nhẹ luật pháp và lợi ích cộng đồng. Đặc biệt ở các vùng rau, quả, chè, hoa, nông sản có giá trị cao… Điều tra năm 2003 - 2005 tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, có tới 20 - 88,8% số nông dân vẫn dùng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục. Năm 2010, Cục BVTV cho biết còn 5,19% số hộ dùng thuốc cấm, ngoài danh mục, 10,22% không đúng thời gian cách ly, 51% không thực hiện theo khuyến cáo của nhãn.
Như vậy có thể thấy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta trong vòng 10 năm lại đây, bên cạnh những thành tựu và ưu điểm cũng còn nhiều tồn tại, thiếu sót, tác hại có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía xây dựng, ban hành, thực hiện các chính sách quản lý và kỹ thuật và chủ quan từ phía thực hiện của người sản xuất nông nghiệp trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
III. Kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV
1. Cần sớm xây dựng chiến lược sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam trong 10 - 15 năm tới với các định hướng chủ yếu sau:
- Giảm nguy cơ, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV cả về kỹ thuật, sản xuất kinh tế, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.
- Đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Nâng cao nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm xã hội của người sử dụng thuốc BVTV.
2. Trên cơ sở Luật bảo vệ thực vật và KDTV sẽ được ban hành cần có nghị định và thông tư mới riêng về quản lý - sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong đó cần có quy định cụ thể về xây dựng, ban hành và sử dụng danh mục thuốc bảo vệ thực vật theo các định hướng sau:
- Hạn chế số lượng hoạt chất trong danh mục, rất hạn chế các loại hoạt chất hỗn hợp, hạn chế số tên sản phẩm cho 1 hoạt chất.
- Hạn chế đăng ký sản phẩm mới cũng như nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật: đánh giá hiệu quả kỹ thuật đồng thời hiệu quả về môi trường, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế của các hoạt chất lẫn phụ gia. Hạn chế đăng ký sản phẩm thuộc nhóm độc I, II có thời gian cách ly dài, có độc tính cao với ký sinh thiên địch và cá. Xem xét tăng phí khảo nghiệm và đăng ký.
- Đổi mới cơ cấu các nhóm thuốc trong danh mục, tăng tỷ lệ thuốc sinh học lên 30 - 40% trong 5 - 7 năm tới, giảm rõ rệt các loại thuốc thuộc nhóm độc I và II.
- Thuốc nhập khẩu phải có phiếu xác nhận xuất xứ. Xuất xứ phải phù hợp với hồ sơ đăng ký. Tăng thuế nhập khẩu với các loại thuốc thuộc diện không khuyến khích sử dụng, miễn thuế đối với loại thuốc khuyến khích sử dụng, thân thiện môi trường, ít độc hại.
- Thực hiện nguyên tắc “có vào có ra danh mục” để định kỳ sàng lọc sản phẩm. Định kỳ 3 năm cần rà soát lại sản phẩm, loại bỏ các loại thuốc không hoặc chưa được sử dụng trên thị trường, thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế.
- Xây dựng các danh mục khuyến cáo sử dụng của Trung ương và từng tỉnh giúp người nông dân lựa chọn đúng.
3. Xây dựng lộ trình giảm nguy cơ, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta từ nay đến năm 2020 theo hướng:
- Giảm thiểu lượng thuốc sử dụng hàng năm khoảng 30 - 40% đặc biệt trên lúa, rau, chè, quả, vùng nông sản xuất khẩu.
- Giảm số lượng hoạt chất trong danh mục 30 - 40%, số sản phẩm thương mại cho 1 loại hoạt chất (tối đa 5).
- Nâng tỷ lệ thuốc sinh học, thuốc có độ độc thấp (nhóm 4,5), thuốc thân thiện môi trường lên 40 - 60%.
4. Xây dựng chương trình hoặc đề án tổng thể việc mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới có tác dụng giảm thiểu, chống lạm dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như IPM, 3 giảm 3 tăng công nghệ sinh thái BVN, SIR, Vietgap.
5. Tăng cường thanh kiểm tra khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khâu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Củng cố và nâng cao quyền lực của hệ thống thanh tra chuyên ngành về BVTV, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền cấp xã phường trong quản lý, giám sát, kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Xây dựng và củng cố về tổ chức và chính sách nội dung hoạt động của màng lưới dịch vụ bảo vệ thực vật - khuyến nông cơ sở.
6. Thống nhất việc xây dựng ban hành bộ tài liệu huấn luyện về quản lý, sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chương trình huấn luyện các quy trình kỹ thuật ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Coi trọng huấn luyện CBKT, nông dân, đại lý bán thuốc.
Quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay ở nước ta là 1 bài toán khó nhưng cần được giải đúng.


An toàn thực phẩm - Vấn đề nhức nhối của xã hội

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cho biết: Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc với 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm.
Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc với 3 bộ có trách nhiệm và nghe Chính phủ báo cáo kết quả tình hình thực hiện pháp luật về ATTP.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa hoc, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng.
Mặc dù các văn bản đã cơ bản thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ATTP. Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về ATTP còn chậm, chưa được hệ thống hóa gây ảnh hưởng tới việc thực thi Luật; một số quy định chưa phù hợp với quản lý ATTP, tính khả thi chưa cao.
Luật ATTP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 nhưng đến ngày 25/4/2012 mới ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, đến năm 2014 mới ban hành Thông tư liên tịch số 13 về phân công, phối hợp trong QLNN về ATTP giữa 3 bộ: Y tế, NN-PTNT, Công Thương. Một số quy định trong Luật ATTP còn chưa phù hợp như: Quy định về kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, về các tội phạm liên quan đến VSATTP…
Một số quy định về phân công trách nhiệm QLNN về ATTP còn chồng chéo, chưa rõ ràng, một số lĩnh vực quản lý thiếu quy định hướng dẫn cụ thể; một số quy định còn chồng chéo; một số lĩnh vực quản lý còn thiếu hướng dẫn cụ thể như quy định về quản lý ATTP đối với các chợ, siêu thị, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản xuất thủ công.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý thực phẩm còn thiếu so với yêu cầu. Một số thực phẩm phẩm đặc sản, truyền thống địa phương hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý; một số quy chuẩn kỹ thuật còn chưa rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý ATTP, Báo cáo cho thấy, nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho ATTP còn hạn chế; hệ thống cơ quan QLNN về ATTP còn chưa tương xứng với nhiệm vụ; lực lượng còn phân tán ở nhiều bộ, ngành, đơn vị nên việc triển khai còn thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao; phối hợp giữa các cơ quan QLNN về ATTP còn hạn chế.
Hoạt động của nhiều Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP chưa thực sự hiệu quả; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe. Ở nhiều địa phương tỷ lệ xử lý vi phạm ATTP thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan; công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao, trong đó có khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự.
Cần siết chặt quản lý
Ngay sau khi báo cáo giám sát được công bố, đã có 76 đại biểu đăng ký phát biểu. Điều đó cho thấy mối quan tâm lớn của Quốc hội và toàn xã hội với vấn đề này, tuy đã được nói không ít lần, từ nhiều năm nay, nhưng an toàn thực phẩm vẫn chưa bao giờ hết “nóng”.
Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (tỉnh Tiền Giang) cho rằng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất lớn, gây bức xúc dư luận. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội về an toàn thực phẩm do Văn phòng Quốc hội tiến hành, chỉ có 10% yên tâm với thực phẩm sử dụng hàng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27,5% hoàn toàn không yên tâm,....
Đại biểu Mai đề nghị cần có cơ quan chuyên trách về quản lý an toàn thực phẩm; đầu tư kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác này; đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong quản lý an toàn thực phẩm... thiết lập đường dây nóng với những số dễ nhớ về an toàn thực phẩm để người dân giám sát.
Trong khi đó, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội), nói về công tác quản lý rượu, bia, đại biểu cho rằng ngộ độc rượu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân thời gian qua, với nhiều vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng liên tiếp xảy ra.
Trên cơ sở đó, đại biểu này đề nghị phải siết chặt quy định sản xuất kinh doanh rượu, tăng chế tài xử phạt vi phạm và duy trì trong thời gian dài chứ không phải là phong trào. Đặc biệt, phải nâng mức xử phạm hình sự đối với người kinh doanh rượu kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng.
Cho rằng nguyên nhân chính của những hạn chế yếu kém là do quản lý nhà nước còn hạn chế, pháp luật còn bất cập, Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) đề nghị, phải đề ra những mục tiêu định lượng cụ thể về an toàn thực phẩm để nhân dân giám sát; hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm; xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nhập khẩu tiểu ngạch;…
Tham luận về vấn đề quản lý nguồn hóa chất liên quan đến bảo vệ thực vật, chế biến thực phẩm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: cần có sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn; kiểm soát chặt chẽ thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nhập khẩu tiểu ngạch; cần có đường dây nóng để nhân dân đấu tranh, tố giác và cơ chế tiếp nhận phản ánh về mất an toàn thực phẩm các hành vi mất an toàn thực phẩm