Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Những vấn đề của TACN 2016

Cam kết chăn nuôi không chất cấm
Ngày 1/4/2016, Cục Chăn nuôi đã có Công văn số 391/CN-GSN gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện phong trào ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm. Tính đến đầu tháng 6, phong trào đã triển khai tại 55/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thống kê từ các địa phương cho thấy, trong 285.878 hộ đã ký cam kết có 276.065 hộ chăn nuôi, chiếm 96,6% và 9.813 hộ thuộc đối tượng khác có liên quan (hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, hộ kinh doanh thuốc thú y và giết mổ gia súc, gia cầm), chiếm 3,4%
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 3 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 1,23% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam từ một số thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh, đứng đầu là Nhật Bản với 4 triệu USD, tăng 72,2% so cùng kỳ; thứ hai là Trung Quốc với hơn 245 triệu USD, tăng 46,34%; UAE với gần 71 triệu USD, tăng 45,29%; Malaysia với gần 32 triệu USD, tăng 41,74%. Các thị trường chính cung cấp cho Việt Nam vẫn là Achentina, Mỹ, Trung Quốc và Áo… Trong đó, Achentina là thị trường chủ yếu Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 46,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng, tăng 10,69% so với cùng kỳ năm ngoái.
 Tuyên chiến với kháng sinh
Năm 2016, Bộ NN&PTNT xác định tiếp tục đưa việc kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi vào chương trình trọng điểm, tuyên chiến với kháng sinh như làm với chất cấm. Mục đích vẫn là để người tiêu dùng được sử dụng những thực phẩm an toàn hơn.
Những con số thống kê cho thấy, hiện có đến 5% thuốc kháng sinh đang bị lạm dụng dùng trong nông nghiệp, đặc biệt trong chăn nuôi nhằm tăng năng suất song lại đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Cùng đó, kết quả điều tra của Cục Chăn nuôi cho thấy, tại 94 nhà máy sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố cả nước cho thấy, nhiều cơ sở sử dụng hàm lượng kháng sinh trong sản xuất thức ăn cho gà, lợn cao hơn mức quy định. Điều này dẫn tới nguy cơ làm tăng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm và “nhờn” kháng sinh đối với vật nuôi.
Xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, từ ngày 1/7/2016, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể, các tội: Sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193): Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317) quy định, các cá nhân, tổ chức sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt hành chính từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt tù từ 1 đến 5 năm. Trường hợp nặng có thể bị phạt tiền 1 tỷ đồng, phạt tù 20 năm.
Như vậy theo những quy định mới này, chỉ cần cấu thành hình thức, thay vì cấu thành vật chất như cũ là có thể có căn cứ để xử phạt. Tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự, cấu thành các tội liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét