Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Bốn giải pháp quản lý phân bón của ngành Nông nghiệp

Tại phiên chất vấn sáng 15/11, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã phát biểu một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý phân bón của ngành nông nghiệp.
Theo đó, về vấn đề phân bón, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay chúng ta đang có hai bất cập rất lớn. Việt Nam chúng ta là một quốc gia nông nghiệp, ưu tiên hàng đầu đúng ra phải là phân bón "nhất nước, nhì phân", tuy nhiên đến giờ phút này có hai nhóm vấn đề lớn.
Về bất cập trong định hướng sử dụng phân bón, ông Cường cho biết, đến nay chúng ta hàng năm sử dụng khoảng 10 - 11 triệu tấn phân bón, khả năng trong nước chúng ta sản xuất được 8 - 9 triệu tấn, còn hàng năm chúng ta nhập khẩu khoảng 2 - 2,5 triệu tấn. Những dạng phân bón chúng ta phải nhập khẩu, thứ nhất khoảng 960.000 tấn phân kali, riêng loại này bất luận phải nhập khẩu, vì chúng ta không có mỏ phân kali. Thứ hai phân DAP và phân SA là hai dạng phân hỗn hợp công nghệ cao cho một số những đối tượng cây trồng thì chúng ta chỗ này cũng vẫn còn đang phải nhập khẩu, còn lại chúng ta tự túc sản xuất được.
Theo ông Cường, vấn đề bất cập lớn nhất hiện nay trong định hướng sử dụng trong tổng số 11 triệu tấn phân đó thì phân hữu cơ chúng ta chỉ sử dụng có 1 triệu tấn, còn lại phân hóa học chúng ta sử dụng tới 90% cỡ khoảng 10 triệu tấn, đây là bất cập lớn nhất đã làm cho nông sản chúng ta không sạch, chất lượng không cao. Thứ hai, là ô nhiễm môi trường. Thứ ba, là giảm độ phì của đất.
“Nếu cứ để tình trạng này lâu dài chắc chắn nông nghiệp của chúng ta giá trị không thể cao được. Do vậy, chúng ta phải định hướng lại sử dụng phân bón theo hướng hữu cơ, theo hướng này hiện nay chúng ta rất có tiềm năng. Cụ thể, hàng năm, chúng ta có tới 50 triệu tấn phế phụ phẩm từ rơm, từ thân cây ngô và các loại. Chúng ta cũng có 100 triệu tấn phế thải của động vật, có lượng phân bù và phân chấp đủ điều kiện cho nền công nghiệp phân hữu cơ phát triển. Do đó trách nhiệm của ngành xác định việc đầu tiên trong quản lý phân bón phải là định hướng vào phân hữu cơ để từng bước một chúng ta chuyển sang nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp hữu cơ mới là đúng chủ trương của Đảng, của Nhà nước đang định hướng cho tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản phẩm nông nghiệp sạch để hội nhập được với quốc tế”. – ông Cường nói.
Ngoài ra, theo ông Cường, hiện còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý về phân bón.
Cụ thể, trước năm 2014, chúng ta quản lý phân bón theo danh mục, mỗi một loại phân bón trước khi được đưa vào danh mục để lưu hành trong sản xuất và buôn bán phải qua công tác kiểm nghiệm, khảo nghiệm, có hội đồng kết luận được mới được bổ sung vào danh mục. Tuy nhiên, khi áp dụng Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư chúng ta phải chuyển cơ chế quản lý từ danh mục sang tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia để đảm bảo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và minh bạch như hai luật đã quy định. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 202 để tập trung chuyển trạng thái quản lý từ danh mục hành chính sang quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Theo ông Cường, khi giai đoạn quá độ chuyển sang này sẽ đẻ ra một số vấn đề bất cập.
Thứ nhất, đòi hỏi nhà nước, cơ quan quản lý phải có một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm cơ sở khẳng định để các tổ chức kinh doanh đăng ký theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đó và người ta được quyền sản xuất. Bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn này khi anh muốn ban hành đòi hỏi thời gian, đòi hỏi điều kiện không thể một lúc đầy đủ hết được. Đây là vấn đề khi giai đoạn chuyển tiếp có khó khăn đó.
Thứ hai, theo Nghị định 202 thì hai bộ trực tiếp quản lý phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được quản lý phần phân bón hữu cơ và phân bón khác. Phân bón khác là phân vi sinh, phân mùn một số dạng. Còn lại Bộ Công thương quản lý toàn bộ phân vô cơ, từ khâu cấp phép, kiểm tra, thanh tra, do vậy có sự song trùng này. Sự song trùng này dẫn đến kẽ hở, hầu hết các cơ sở sản xuất phân bón của Việt Nam và kinh doanh hiện nay đều là cùng phân vô cơ và phân hữu cơ.
Theo Nghị Định 202 quy định nếu như một cơ sở sản xuất kinh doanh cả hai loại phân thì Bộ Công thương là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xem xét cấp phép cũng như trong quá trình thanh kiểm tra sau này. Do đó, đây chính là một khoảng mà hai bộ phối hợp không tốt thì chính là khoảng trống để cho các hoạt động gian dối về thương mại, các hoạt động không đầy đủ những điều kiện thì chính là ở chỗ này chúng ta phải nhìn nhận ra chỗ để chỉnh sửa sau này hoạt động cho tốt hơn.
Từ những vấn đề đó, thời gian tới ông Cường kiến nghị:
Một là, về quản lý, hiện nay Thủ tướng đã chỉ đạo cho chỉnh sửa Nghị định 202, nếu sau này giao cho Bộ Công thương thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, con người, điều kiện để tập trung một mối quản lý và ngược lại nếu như Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức lại để quản lý về nguyên tắc cho đảm bảo một mối thống nhất.
Hai là, tập trung về các văn bản pháp luật, sau khi có Nghị định 202 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ban hành Thông tư 41 và Bộ Công thương có ban hành Thông tư 29 để tập trung quản lý về công tác phân bón. Tuy nhiên, cho đến nay rà soát lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra chương trình phải sửa vấn đề này cho phù hợp hơn. Chúng tôi kiến nghị Bộ Công thương rà soát lại Thông tư 29 để tiếp tục chỉnh sửa.
Ba là, ban hành bộ tiêu chuẩn quy chuẩn, đến thời điểm hiện nay chính thức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tạo điều kiện quản lý chặt chẽ hơn thì chúng tôi đã chuyển sang Bộ Khoa học, Công nghệ 100 quy chuẩn và tiêu chuẩn và đồng chí Bộ trưởng mới cũng rất quyết tâm đến giờ phút này thẩm định cơ bản gần xong, thời gian tới bộ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn quy chuẩn này để phục vụ công tác quản lý.
Bốn là, cần chấn chỉnh cơ quan quản lý nhà nước về quản lý ngay phân bón.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét