Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Sản xuất vật liệu xây dựng: Những vấn đề cần tháo gỡ

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy: tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt thấp so với năm 2011 và khó khăn là tình trạng chung của các doanh nghiệp, trong đó khối sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nặng nhất với lượng hàng tồn kho cao, không phát huy được công suất sản xuất của các dây chuyền thiết bị. Và tỉnh ta cũng không ngoại lệ bởi trong bối cảnh khó khăn chung, rất ít doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hoàn thành được các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của năm. Làm gì để giải quyết những khó khăn trước mắt và duy trì hoạt động sản xuất lâu dài hiện đang là bài toán làm đau đầu không chỉ riêng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này...

Những khó khăn chung
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 122 cơ sở sản xuất VLXD, trong đó có 80 cơ sở hoạt động ở lĩnh vực khai thác đá, cát và khai thác mỏ, 42 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khác; thu hút 2.771 lao động tham gia vào lĩnh vực khai thác đá, cát, khai thác mỏ và 19.498 lao động tham gia vào lĩnh vực xây dựng. Thế nhưng hiện nay, trước những khó khăn chung của tình hình kinh tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD trong tỉnh đang hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt thấp, lượng tồn kho lớn, kinh doanh không hiệu quả, ít nhiều gây ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người lao động.
Chỉ tính riêng sản xuất vật liệu nung, hiện toàn tỉnh có 11 cơ sở sản xuất gạch tuynel với tổng công suất thiết kế 153 triệu viên/năm, 1 cơ sở lò vòng có công suất 10 triệu viên/năm. Nếu trong năm 2011, các cơ sở này đa phần sản xuất vượt công suất thiết kế và đạt sản lượng gần 320 triệu viên thì trong năm 2012, do gặp khó khăn trong cắt giảm đầu tư nên sản xuất chỉ đạt xấp xỉ 300 triệu viên/năm.
Ngay cả những doanh nghiệp vốn được coi là "nhiều kinh nghiệm", có thị trường ổn định trong lĩnh vực sản xuất VLXD như Xí nghiệp xi măng COSEVCO 11, Công ty cổ phần Chánh Hoà, Công ty Cổ phần VLXD 1-5, Công ty TNHH thương mại gạch ngói tuynel Cầu Bốn... cũng đang gặp khó trong bối cảnh chung. Và để duy trì sản xuất, ổn định kinh doanh, các doanh nghiệp VLXD chẳng còn cách nào khác ngoài "biện pháp" chủ động ứng phó bằng cách giảm công suất hoạt động, chỉ sản xuất được 70 - 80% so với công suất thiết kế.
Không chỉ riêng các doanh nghiệp sản xuất, tình trạng khó khăn chung còn bao trùm lên các đại lý phân phối, kinh doanh. "Chưa bao giờ thấy thị trường tiêu thụ VLXD khó khăn như lúc này", "buôn bán ế ẩm, doanh thu giảm nhiều so với năm 2011"...  đó là những câu trả lời mà phóng viên nhận được khi có điều kiện đi khảo sát thực tế tình hình kinh doanh của các đại lý phân phối VLXD trên địa bàn.Và chính hệ lụy của việc các doanh nghiệp sản xuất VLXD cầm chừng, không dám phát huy tối đa công suất thiết kế đã kéo theo sản lượng công nghiệp sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh ta sụt giảm. Báo cáo từ Sở Xây dựng cho thấy: mặc dù có đóng góp 9,1% cho sự tăng trưởng công nghiệp toàn tỉnh nhưng nhìn chung ngành sản xuất VLXD vẫn không đạt kế hoạch năm 2012 đã đề ra. Bởi ngoài một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá như xi măng, đá xây dựng, thanh nhôm định hình... vẫn tồn tại một số ngành sản xuất không đạt kế hoạch như: klinker đạt 87,6% so với cùng kỳ, gạch ngói nung đạt 93,7%, cát sỏi xây dựng đạt 85%, tấm lợp fibro ximăng chỉ đạt 90% (so với kế hoạch).
Theo ông Đặng Ngọc Đức, Trưởng phòng vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) thì thị trường VLXD trên địa bàn tỉnh ta đã sụt giảm một cách khốc liệt, chỉ bằng 80% so với những năm trước đó.

Đâu là nguyên nhân?
Theo Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đạt khoảng 54 triệu tấn, dư thừa trên 10 triệu tấn. Trong khi đó, theo Hội VLXD Việt Nam, nếu tính cả lượng tồn kho lũy kế tại các đơn vị sản xuất và các địa lý bán hàng thì lượng hàng tồn kho của ngành gốm sứ xây dựng đã tăng lên 20%.
Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi phóng viên đưa ra những con số dẫn chứng này; ở đây cần nhấn mạnh rằng: sản xuất VLXD ở Quảng Bình không chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh mà còn tham gia cung ứng cho các tỉnh lân cận, các tỉnh phía nam và xuất khẩu như: xi măng khoảng 55%, gạch ceramic 70%, gạch tuynel 10%. Do đó, chính tình trạng mất cân đối cung - cầu của thị trường VLXD trong nước đã gây tác động tiêu cực, khiến thị trường VLXD trên địa bàn tỉnh ta rơi và tình trạng "nghẽn đầu ra", các doanh nghiệp sản xuất chỉ hoạt động cầm chừng để tiêu thụ dần lượng hàng tồn kho.
Mặt khác, thực tế cho thấy những năm trước trên địa bàn tỉnh nói riêng và nước ta nói chung, cùng với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, các cơn sốt giá bất động sản đã tác động làm cho thị trường vật liệu xây dựng sôi động và "nóng" hẳn lên với sự tăng trưởng cả về nhu cầu và năng lực sản xuất. Và cũng chính bởi nguyên nhân này nên năm 2012 khi thị trường bất động sản đóng băng, sức đầu tư của người dân giảm mạnh, nhu cầu xây dựng cơ bản của tỉnh giảm..., thị trường VLXD cũng theo đó mà "nguội" dần, gây nên tình trạng mất cân đối rõ nét giữa cung - cầu ở một số loại VLXD.
Dự báo trong giai đoạn tới, nhu cầu VLXD của tỉnh ta sẽ đòi hỏi ngày càng lớn về sản lượng và chủng loại bởi nhiều dự án quan trọng thuộc cơ sở hạ tầng của tỉnh sẽ được triển khai xây dựng. Vì vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 thị trường VLXD tỉnh được định hướng phát triển bởi các yếu tố như: hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã có đồng thời phát triển thêm một số khu công nghiệp mới như KCN Hòn La II, KCN Tây Bắc Quán Hàu, KCN Cam Liên với quy mô xây dựng khoảng 1.000ha; phát triển hệ thống đô thị và phân bố lại dân cư bao gồm khu trung tâm hành chính tỉnh và các khu đô thị mới như khu đô thị mới Phú Hải, Bảo Ninh, Đức Ninh Đông...; phát triển các tuyến giao thông trục cơ bản...Có thể thấy sự "đóng băng" của thị trường bất động sản không chỉ gây khó khăn cho riêng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, gây đình trệ trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD.

Giải pháp tháo gỡ
Bên cạnh đó, chủ trương xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là bê tông hoá các tuyến đường liên huyện, liên xã, hệ thống hồ chứa nước và kênh mương thuỷ lợi, hệ thống cấp nước sạch và các công trình phúc lợi công cộng ở làng, xã như trạm xá, trường học, chợ, trụ sở làm việc...  cũng cần một khối lượng lớn VLXD.
Chính vì lẽ đó, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng lập Quy hoạch điều chỉnh phát triển VLXD tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; theo đó, các giải pháp chủ yếu để thực hiện phương án quy hoạch sản xuất VLXD gồm: giải quyết nguồn vốn đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để kêu gọi đầu tư và điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với phát triển khoa học công nghệ, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo dựng môi trường sản xuất kinh doanh thống nhất.
Theo đó các doanh nghiệp sản xuất VLXD cần tăng cường công tác tiếp thị, tích cực tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá các sản phẩm VLXD; đồng thời chủ động cải tiến mẫu mã, bao gói và hình thức phục vụ, đưa các sản phẩm của mình vào xây dựng các công trình văn hoá phúc lợi công cộng để thuyết phục người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trong tỉnh.
Tuy nhiên, để có thể phục hồi ngành công nghiệp sản xuất VLXD vốn đang gặp khó khăn, chúng ta vẫn rất cần những giải pháp cụ thể trước mắt. Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường VLXD, ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Để tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD thì phải chờ đến chính sách vĩ mô của Nhà nước; và từ 10-5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Hy vọng  rằng với các chủ trương, chính sách trên sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt được phần nào khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh thời gian tới. Cùng với đó thì việc "khơi thông" thị trường bất động sản là nhu cầu bức thiết bởi hai thị trường này vốn có mối liên quan mật thiết với nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét