Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Phụ thuộc nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu: Nhiều hệ lụy và bất cập

Những năm qua, tình trạng phụ thuộc nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã dẫn tới nhiều bất cập và hệ lụy. Không ít thời điểm, ngành chăn nuôi lao đao, thiếu tính cạnh tranh và về lâu dài, khó phát triển bền vững.
Thiếu quy hoạch

Trong ngành Nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi được coi là hai lĩnh vực song hành, hỗ trợ nhau nhưng thực tế chưa được như mong muốn. Nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu (cả thành phẩm và nguyên liệu sản xuất) trong khi nhiều loại nông sản trong nước lại loay hoay tìm đầu ra, không ít trường hợp ế thừa, đổ bỏ. Chỉ tính riêng 8 tháng năm nay, Việt Nam đã chi 2,2 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất.

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, thức ăn chiếm 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi, trong khi lĩnh vực này phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, nhất là nguyên liệu giàu đạm thực vật như: Khô dầu đậu tương, lạc, vừng, ngô… Bên cạnh đó, mặc dù nước ta có bờ biển dài 3.200km nhưng vẫn phải nhập bột cá 65-68% đạm của Peru, Chile… Loại bột cá này Việt Nam cũng sản xuất nhưng quy mô nhỏ. Còn trong trồng trọt, mới chỉ quan tâm tới lúa, cao su, cà phê, cây ăn quả… mà "quên" quy hoạch đất trồng cây, cỏ làm thức ăn cho gia súc... Đồng thời, hầu hết phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ không được tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi, thay vào đó, mỗi năm đốt bỏ hàng triệu tấn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Thực trạng này đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Từ thực tiễn chăn nuôi ở địa phương, ông Hoàng Văn Thám, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ đánh giá: Chăn nuôi nông hộ cũng như chăn nuôi trang trại hiện nay quy mô nhỏ, không chủ động được nguồn thức ăn, bởi vậy người chăn nuôi trên địa bàn huyện đều thua lỗ. Nguyên nhân được xác định bởi giá thành sản phẩm chăn nuôi không tăng, nhiều thời điểm giảm, nhưng giá thức ăn bình quân mỗi năm vẫn tăng ít nhất 5%.

Lý giải thêm việc quá phụ thuộc nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhận xét: Trong những năm qua, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Ba Vì phát triển mạnh. Tuy nhiên, nguồn thức ăn cho vật nuôi vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp cung ứng, giá thành cao và nhiều biến động. Ba Vì có nguồn sản phẩm từ nông nghiệp và phế - phụ phẩm phong phú, nhưng người dân chưa thực sự quan tâm thu gom, dự trữ, chế biến theo quy trình công nghệ, nên còn lãng phí.

Tăng tính chủ động 
Những bất cập trên khiến ngành chăn nuôi nước ta thiếu sức cạnh tranh, nhiều rủi ro. Ngay cả thời điểm giá sản phẩm chăn nuôi ổn định, người chăn nuôi cũng chỉ lấy công làm lãi. PGS.TS Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết: Các sản phẩm chăn nuôi chính của Việt Nam đều có giá cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử, 1kg sữa ở Việt Nam 12.000 đồng, cao gấp đôi so với New Zealand; 1kg thịt lợn hơi 45.000 đồng, trong khi ở Mỹ chỉ từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg…

Nhiều khuyến nghị cho rằng, ngành Nông nghiệp cần có quy hoạch, kế hoạch cụ thể và phát triển cây trồng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Hiện, hầu hết địa phương không chú trọng vấn đề này. Trên thực tế, ở những nơi có điều kiện về đất đai và nông dân có tập quán canh tác cây nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi thì lại sản xuất manh mún, năng suất thấp, chất lượng không ổn định... Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội nêu giải pháp rất có tính gợi mở: Ba năm trở lại đây, đơn vị đã đẩy mạnh việc tư vấn, hỗ trợ người dân cách phối trộn thức ăn nhằm giảm giá thành sản xuất. Tiếc rằng, số hộ thực hiện theo hướng dẫn chỉ chiếm 50%. Trong khi đó, các trang trại kiên trì thực hiện, đã tiết kiệm, giảm tới 30% giá thành thức ăn chăn nuôi.

Ở góc độ quản lý ngành, về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Để tái cơ cấu ngành chăn nuôi, với các địa phương khu vực miền núi, diện tích đất tự nhiên rộng cần chú trọng trồng ngô, cỏ… Đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích phát triển nguyên liệu bột cá, dành quỹ đất trồng nguyên liệu để sản xuất thức ăn. Việc này phải gắn với đầu tư hạ tầng, giống, kỹ thuật, cơ giới hóa để hạ giá thành sản xuất…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét